ĐỪNG XIN Ý KIẾN; HÃY ĐƯA GIẢI PHÁP!
(Có thể bạn chưa biết)
(Có thể bạn chưa biết)
Chuyện “chờ chỉ đạo” và “xin ý kiến anh” đã trở thành thông lệ, thậm chí được xem là “nét văn hóa” của nhiều tổ chức, doanh nghiệp. Nhiều vị lãnh đạo trong DN thích cái “uy” khi được cấp dưới đến “xin ý kiến anh” và cái “oai” khi cho “ý kiến chỉ đạo” để cấp dưới răm rắp làm theo. Mỗi khi có cấp dưới đến xun xoe, gãi đầu, gãi tai xin ý kiến về một vấn đề gì, mặc dù không nắm vững, chưa tìm hiểu kỹ, lãnh đạo vẫn cứ “phán” để ra oai và để thể hiện ta đây “gì cũng biết”.
Từ chỗ thích cảm giác được tâng bốc, không ít vị lãnh đạo doanh nghiệp chẳng mấy chốc trở thành “con nghiện” của uy quyền. Họ thèm cảm giác được ra lệnh, chỉ đạo để ra oai, và chỉ thích làm việc với những cấp dưới mà họ cho là “thuần tính” hoặc “biết điều”. Dưới “trướng” của các vị lãnh đạo kiểu này, cấp dưới dễ trở thành thụ động, mất hết sáng tạo, chỉ biết ngồi chờ chỉ đạo mà ít khi chịu động não để giải quyết vấn đề hay chủ động triển khai công việc.
Trong quá trình làm việc của mình dù là ở cương vị CEO hay bất kỳ cấp quản lý nào, tôi không bao giờ chấp nhận cách thức làm việc thụ động, ỷ lại của cấp dưới. Tôi luôn yêu cầu cấp dưới khi đến gặp tôi, không chỉ có “xin ý kiến” mà phải biết phân tích tình huống, đưa ra quan điểm, và đề xuất ý kiến. Với “tuýp” làm việc này, tôi buộc cấp dưới phải động não, suy nghĩ, chủ động tìm kiếm các giải pháp cho những vấn đề mà mình gặp phải. Và mỗi khi đến trình bày với tôi về bất kỳ vấn đề gì, cấp dưới phải luôn chuẩn bị sẵn các giải pháp cho vấn đề đó. Các giải pháp mà cấp dưới đưa ra có thể được tôi chấp nhận hoàn toàn, chấp nhận một phần, hoặc bị bác bỏ hoàn toàn. Điều quan trọng là tôi luôn tạo một “cơ chế” để mọi người rèn luyện phong cách làm việc tự tin, năng động, sáng tạo; tạo một môi trường làm việc cởi mở, nơi cấp dưới không phải “run rẩy” trước cấp trên và cấp trên không phải là “ông kẹ” đối với cấp dưới.
Nếu một tổ chức mạnh dạn loại bỏ thói quen “chờ chỉ đạo” và “xin ý kiến anh” ở mọi cấp bậc trong tổ chức, tôi tin rằng nó sẽ hoạt động với hiệu suất cao hơn và kết quả hoạt động sẽ tốt hơn. Cũng từ việc loại bỏ thói quen này, mỗi thành viên của tổ chức sẽ (buộc phải) biến mình thành những con người năng động, sáng tạo, mạnh dạn, tự tin nếu không muốn bị đào thải ra khỏi tổ chức.
Tôi luôn đề ra câu khẩu hiệu: ĐỪNG NÓI "XIN Ý KIẾN ANH"! HÃY NÓI: "THEO TÔI, CÓ NHỮNG GIẢI PHÁP NÀY"!
- Nguyễn Hữu Long -
Nhận xét